Thứ Sáu, tháng 9 14, 2012

Pin It

Created by

Lịch sử Bonsai


Bonsai là một đặc trưng của đất nước Phù Tang, nhưng cái nôi của nghệ thuật này lại có nguồn gốc từ Tàu.
Tranh và điêu khắc cổ cho thấy kiểng thu nhỏ đã có ở Tàu vào thời nhà Tần, TK thứ Ba sau CN. Các tranh cổ đời Tống (960 -1280) vẽ cây lùn trong chậu dùng làm trang trí nội thất. Ðó là những cây lùn thực sự trong thiên nhiên đã bị gió tuyết uốn nắn được bứng về trồng trong chậu.
 
Văn hóa Tàu ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Nhật suốt thế kỹ thứ Tám sau Công nguyên, và dường như lúc đó người Nhật xem Bonsai đích thực là một nghệ thuật, nhưng tài liệu ở giai đoạn khởi đầu này không còn nhiều. Có một tập tài liệu Bonsai thuộc TK thứ 6 sau CN và những bức tranh vẽ trên giấy cuộn vào TK 13, mô tả sự phát triển của cây trồng trong chậu, cho thấy Bonsai là một nghệ thuật. Sau đó Bonsai xuất hiện rất nhiều trong hội họa, văn chương Nhật.
Hình Bonsai xuất hiện trong bức tranh Kasugaaongen - gengi của Takakane Takasshina vẽ năm 1309 trong đền Kasuga (một vị thiền sư Nhật đã du nhập vào Nhật Bản) thời Kamakura (1192 - 1333).
Một vở tuồng Nô nổi tiếng tựa là Hachi - no - ki (cây trong chậu) đã đề cao loại kiểng này. Thời này bị ảnh hưởng Thiền sâu rộng trên nghệ thuật và đời sống hằng ngày. Các đề tài tôn giáo đã gợi cảm hứng cho việc tạo Bon sai, được trưng bày ngoài trời như là biểu tượng tôn giáo về thiên nhiên hơn là những loại hình nghệ thuật sống.
Ðến thời Muromachi (1334 - 1573) sắc thái Thiền hoàn toàn Nhật về mặt nghệ thuật bắt đầu hiện ra. Tư tưởng Thiền thể hiện trong kiến trúc, tạo cảnh, cắm hoa, trà đạo v.v... Bonsai thời này khổ nhỏ hơn được trưng bày trong nhà.
 
Thời Tokugawa (1603 - 1867) còn gọi là thời Edo là thời hoàng kim của Bon sai được ghi lại trong nhiều sách có minh họa, kết hợp với triết lý Phật giáo là hòa bản ngã vào thiên nhiên đã dẫn đến sự phát triển những kỹ xảo trong nghệ thuật Bonsai. Những người chuyên nghiệp sưu tập Bonsai xuất hiện, đi tìm những cây lùn tự nhiên đẹp mắt trên các vùng núi non vách đá hải đảo hiểm trở. Bonsai thường được dùng làm đề tài trong hội họa, điêu khắc gỗ, thơ Haiku, trà đạo, cắm hoa... Sự trầm lặng sâu sắc tế nhị, hình dáng đường nét đẹp kín đáo là tiêu biểu của Bonsai thời này.
Thời Minh Trị (1868 - 1912) xuất hiện kỹ thuật quấn dây kim loại để uốn thân cây. Trong các thập kỹ 1870 và 1880 Tây phương bắt đầu hâm mộ. Năm 1914 cuộc triển lãm Bonsai đầu tiên tổ chức tại Tokyo. Và từ năm 1934 trở đi hằng năm đều có triễn lãm các tác phẩm Bonsai do Viện Bảo Tàng Trung ương Nghệ thuật Tokyo chủ xướng.
Bonsai kinh doanh trong kỹ nghệ vườn ươm ở nhiều nơi trên nước Nhật, có hằng trăm nghìn cây Bonsai trẻ được trồng để chở đi bán.
Trong thời gian dài Bonsai là thú tiêu khiển của người quyền quý. Ngày nay được xem như là một nghệ thuật và cũng là một thú tiêu khiển của tất cả mọi người.
Nghệ thuật là một quá trình mang thông điệp đến một thế giới hợp nhất qua mô tả bộ mặt thật của đời sống trong những kết cấu thẩm mỹ được tạo dựng tùy thuộc vào quan niệm về cái đẹp và tính hoàn thiện. Văn minh Ðông phương đặt nghệ thuật ở một vị trí khuôn phép mẫu mực hơn văn minh Tây phương. Bonsai được tượng trưng như một hình thái nghệ thuật theo phong cách cảm nhận bằng một phương tiện diễn đạt tinh thần mang tính trừu tượng nhiều hơn. Bonsai là một bộ phận trong nền văn hóa Nhật qua nhiều thế kỹ mà mỗi thời đại đều có nhận xét đánh giá khác nhau. Thông, tre, đào mơ, xuất hiện sớm nhất, kế đó là đỗ quyên, trà. Cây thích Nhật có mặt vào TK 17. Sang TK 19 có nhiều sách viết về các loài cây lai ghép có tán lá đẹp. Từ đó cây có hình dáng lá đặc biệt cũng được chú ý.
Ðến TK 20, Bonsai thực sự du nhập vào châu Âu, Mỹ , Úc, tuy nhiên đã có những cuốn sách viết về Bonsai ở các nước Âu châu cuối TK 19. Năm 1909, tại Anh một cuộc triển lãm Bonsai được tổ chức. Tại Mỹ, Bonsai nhanh chóng được ưa chuộng sau Thế chiến thứ hai. Một công nghệ Bonsai to lớn đang phát triển ở CA. Trong các thập niên gần đây khắp các lục địa cũng tỏ ra ưa thích Bonsai qua các hội Bonsai đuợc thành lập ở nhiều địa phương, kể cả trung ương. Có nhiều sưu tập Bonsai ở các Vườn Bách Thảo khắp thế giới. Các nhu cầu về dụng cụ, thiết bị, sách báo hướng dẫn kỹ thuật ngày càng gia tăng. Cuốn sách "Nghệ Thuật Cây Cảnh Nhật" của Yuki Yoshimura và Giovanna M. Halford đã tái bản trên 30 lần. Cuốn "Kỹ thuật Bonsai" của Lê Công Kiệt và Nguyễn Thiện Tịch đã tái bản trên 10 lần.
Ở VN, lớp huấn luyện kỹ thuật Bonsai đã được tổ chức lần đầu tại Trường Ðại học Tổng hợp tháng 3/ 1991, từ đó có nhiều sách báo viết về Bonsai và Bonsai trở thành một hiện tượng lan rộng khắp nơi. Ngay ở Ninh Hòa cũng đã có nhiều nghệ nhân Bonsai xuất hiện, họ đi đến tận các vùng thâm sơn cùng cốc, các vách núi cheo leo để sưu tầm và bứng gùi về nhà. Họ còn ra đến Phú Yên để săn nhặt và mua lại. Bonsai còn thịnh hành hơn trong các năm vừa qua nhờ sự tiếp tay của một số Việt kiều hâm mộ đã gởi tiền về đầu tư, từ đó mọc lên những vườn Bonsai đẹp mắt.
Trước năm 1975, tôi có đến hòn đảo Long Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa, dân đảo nam nữ đều để tóc dài và bới tóc, họ thờ Ðức Thánh Trần tại một ngôi nhà thờ lớn nhất đảo gọi tên là Nhà Lớn đứng uy nghi như một ngôi đình trông ra mặt biển. Sân trước rất rộng, được trưng bày gần 50 chậu kiểng lớn, những cây kiểng sù sì có tàn lá xinh đẹp như cổ thụ được thu nhỏ lại trong chậu, mà tuổi thọ theo lời dân đảo phải từ 100 năm trở lên. Rất nhiều lính Úc đã tới đây để hỏi mua với giá rất cao, hoặc đổi bất cứ thứ gì mà dân đảo muốn, nhưng dân đảo một mực từ chối viện lý do đó là những Báu Vật thờ phượng Ðức Thánh Trần do tổ tiên truyền lại, với tư cách con cháu họ có nhiệm vụ phải bảo vệ và gìn giữ. Nghe câu chuyện kể tôi thật vô cùng cảm kích!
Trong các năm gần đây ngoài các bộ sưu tập ở Tàu và Nhật, có bốn bộ sưu tập chính được trung bày: Vườn sưu tập cây kiểng Bonsai Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn là quà tặng của Nhật cho Mỹ vào năm 1976, Vườn thực vật Brooklyn ở New York, Vườn thực vật Montréal ở Canada và Viện bảo tàng cây kiểng Bonsai ở Heileberg Ðức đứng bậc nhất châu Âu gồm nhiều tác phẩm tuyệt vời.
Chuyên mục: ,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Lên đầu trang
Vào giữa trang
Xuống cuối trang